Viêm nang lông là gì? Biểu hiện của viêm nang lông

Viêm nang lông là bệnh hay xảy ra ở các vùng da ẩm như nách, bẹn, mông hoặc cánh tay, lưng, đùi,… Tuy không phải là bệnh nguy hiểm nhưng viêm nang lông gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Đặc biệt, bệnh dễ mắc, dễ tái phát và việc điều trị thường kéo dài dai dẳng.

1. Viêm nang lông là gì?
Viêm nang lông là bệnh ngoài da khá phổ biến, do vi khuẩn, virus hoặc nấm gây nhiễm trùng ở các nang lông. Viêm nang lông có thể xảy ra ở mọi vùng da có lông trên cơ thể như viêm nang lông nách, viêm nang lông da đầu, cánh tay, chân… và thường xuất hiện vào mùa nắng nóng do da bị ẩm bởi mồ hôi, vệ sinh kém.

Viêm nang lông gây tổn thương da, biểu hiện bằng các mụn mủ, sẩn mủ ở nang lông, xung quanh có quầng viêm đỏ, có thể thấy sợi lông mọc dưới da gây ngứa. Những nốt đỏ mọc quanh vùng bị viêm không lớn nhưng dày đặc gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng tới sinh hoạt của bệnh nhân. Các vị trí thường gặp của viêm nang lông là da đầu, mặt, nách, vùng mu và mặt duỗi của tứ chi. Khi mụn vỡ ra sẽ để lại vết nhỏ, đóng vảy, có thể biến chứng thành nhọt, nặng hơn là nhọt cụm, ổ gà hoặc viêm mô dưới da. Bệnh thường gây ngứa và hay tái phát.

2. Biểu hiện của viêm nang lông
Viêm nang lông được phân loại dựa vào độ nông sâu và mức độ lan rộng của tình trạng viêm nhiễm. Biểu hiện cụ thể của từng loại như sau:

Viêm nang lông nông (viêm miệng nang lông): Là hiện tượng viêm nhiễm khu trú tại cổ nang lông, hay gặp ở vùng da đầu hoặc các chi. Nguyên nhân viêm nang lông nông do tụ cầu vàng hoặc tiếp xúc với hóa chất gây bít tắc cổ nang lông. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ và người bôi corticoid kéo dài. Biểu hiện bệnh là mụn mủ hình chóp, kích thước bằng đầu đinh ghim, ở giữa có chấm vàng, xung quanh là quầng đỏ, gây ngứa rát. Mụn mủ mọc thành từng đợt, kéo dài khoảng 7 – 10 ngày, không để lại sẹo. Một số trường hợp bệnh có thể diễn biến dai dẳng trở thành mạn tính;
Viêm nang lông sâu: Viêm nhiễm lan sâu xuống nang lông, gây thương tổn lớn hơn viêm nang lông nông. Các vết thương tổn hóa mủ không vỡ mà xẹp xuống, đóng vảy, sau đó vảy bong để lại sẹo lõm. Bệnh nhân bị đau nhức ở vùng bị viêm;
Nhọt: Là tình trạng viêm nang lông cấp tính, hoại tử do tụ cầu vàng, có thể có 1 hoặc nhiều nhọt mọc rải rác hoặc tụ thành từng đám. Thương tổn do nhọt lan rộng ra cả phần da bao bọc nang lông, hoại tử tổ chức, biến thành ngòi mủ màu vàng xanh. Khi ngòi mủ vỡ để lại vết loét sâu, sau khỏi sẽ thành sẹo. Bệnh hay gặp ở thanh niên, nam giới, xảy ra chủ yếu ở mặt, cổ, tay và mông;
Hậu bối: Có biểu hiện là viêm một đám nang lông liền kề do tụ cầu vàng, thương tổn lan xuống cả mô liên kết và mô mỡ dưới da. Bệnh chủ yếu gặp ở người bệnh tiểu đường, suy dinh dưỡng, suy tim,… Thương tổn ban đầu là một đám da viêm đỏ, nổi cao, bề mặt rắn, nhẵn, ấn vào có cảm giác đau. Sau khoảng 3 – 5 ngày, thương tổn lớn dần, có thể đạt tới 10cm đường kính. Sau khoảng 7 – 10 ngày, thương tổn mềm dần và hóa mủ, mủ thoát ra qua miệng các nang lông. Đôi khi khu vực thương tổn bị hoại tử tạo thành vết loét sâu, dưới đáy có nhiều mủ, khiến bệnh nhân đau nhức, sốt cao, mệt mỏi, chán ăn,…;
Đinh râu: Là dạng nhọt xuất hiện ở vùng mặt. Vi khuẩn có thể theo dòng máu từ tĩnh mạch vùng mạch tới các xoang tĩnh mạch trong sọ não và gây nhiễm khuẩn. Bệnh nhân nếu không kịp thời điều trị có thể hôn mê và thậm chí là tử vong;
Sycosis: Là hiện tượng viêm mủ toàn bộ nang lông bán cấp hay mạn tính do tụ cầu vàng hoặc cơ địa của bệnh nhân. Bệnh tái phát dai dẳng ở những vùng lông tóc rậm, lông mày, vùng đầu, mép cằm, bộ phận sinh dục,… Biểu hiện của bệnh là các mụn mủ tiến triển, thương tổn từng mảng giống chàm, các mụn tập trung thành đám, da trợt, chảy nước hoặc có vảy che phủ,… Mụn mủ nằm sâu hơn, tạo thành nhiều u nhỏ, nổi cao, giới hạn rõ, khi ấn vào mủ chảy ra, các lỗ chân lông giãn rộng.
—-
Sandor – Được các chuyên gia Da liễu tin dùng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *